Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016

Vệ sinh

                  Ngày đó khi nó vào học cấp hai, đã học khoảng lớp bảy. Cũng bắt đầu biết e thẹn về chuyện giới tính. Vì chả gì cũng là thiếu nữ mười ba rồi. Ngày xưa các cụ có câu: Nữ thập tam, nam thập lục. Cứ theo các cụ thì nó cũng đang ngấp nghé tuổi lấy chồng rồi.
                   Ngày đó quê nó nghèo lắm, cả một vùng nông thôn cứ vào dịp giáp hạt là đói ăn. Còn nếu năm nào bị sâu bệnh và ngập úng làm mất mùa thì vùng quê càng trở lên đói khát và xơ xác. Ngôi trường nó học chỉ có một cái nhà vệ sinh bé xíu. Cống của nhà vệ sinh chảy thẳng ra cái ruộng rau muống của nhà dân cạnh đấy. Vào ngày sắp hái rau, chủ ruộng sai người canh cửa cấm tụi học sinh nghèo được vào đó làm vệ sinh, gây khai thối khi họ hái rau đem bán.
 Thế là tụi trẻ nghèo đành chui các xó rọ để vệ sinh tạm. Con trai thì đỡ, con gái thì khổ vô cùng. Nhà trường cũng biết chuyện này nhưng làm lơ vì nể dân. Và chẳng ai thèm quan tâm đến quyền lợi thiết thực cuả tụi trẻ nghèo tội nghiệp ấy làm gì. Với lại, khoảng ba tháng họ mới cấm vận khoảng ba bốn ngày nên cũng không tạo ra hệ lụy gì ghê gướm lắm
                   Học sinh thời ấy muốn đi nặng thì kiên quyết phải nhịn. Nếu làm việc đó ở trường thì bị coi là một điều hết sức xấu xa. Còn đi nhẹ thì thường là cố nhịn, hoặc là một nhóm đi với nhau để còn trông giúp nhau.
                  Hôm ấy nó đi học thêm ở một lớp mới. Nó không quen thân với ai trong lớp này cả. Nó muốn đi vệ sinh mà ngại quá, nó cố nhn. Có lẽ thận và ruột của nó bây giờ khá yếu là do thời đi học phải nhịn tiểu, tiện nhiều. Nhịn mãi không chịu được nữa, nó đành rủ một bạn cùng đi. Bạn ấy nói cũng mới đi rồi nhưng vì nể nó nên đã đi cùng để canh cho nó. Vì đó là nơi không dành để vệ sinh chuyên nghiệp nên hai bề trống hoác. Nó thì vì nhịn rất lâu nên dù rất cố gắng để kết thúc việc làm vệ sinh khi cô bạn nhỏ đánh tiếng mà không kịp. Kết quả là nó bị hai cậu con trai trong lớp nhìn thấy nó trong tư thế rất xấu hổ. Một cậu thì ngoảnh vội đi, còn một cậu thì cười to rất khả ố. Cậu ta còn bàn luận linh tinh về chuyện đó nữa khiến nó hết sức xấu hổ.
                   Việc đó trở thành một vết thương lớn trong lòng nó. Nó rất xấu hổ và mất hết cả tự tin mỗi khi gặp mấy cậu học sinh lớp ấy. Và nó đã không vượt qua được điều ấy nhiều năm sau đó.
                  Khi nó học hớp mười, tình cờ nó học cùng lớp cậu học sinh đã quay mặt đi năm xưa. Cậu ấy giờ rất đẹp trai và là ngôi sao trong lớp. Nó thì chẳng bao giờ dám nhìn thẳng vào mặt cậu ấy vì xấu hổ. Như đoán biết được sự lung túng và xấu hổ của nó mỗi lần chạm mặt cậu ấy. Một lần cậu ấy nhẹ nhàng đến bên nói nhỏ với nó là: Cậu đừng ngại về chuyện năm xưa, đó chỉ là sự cố cả hai bên đều không muốn. Hôm đó tớ cũng đã giải thích cho thằng Hiến nó hiểu. Lỗi chỉ tại là nhà trường khi đó không có nhà vệ sinh thôi!
                Nhiều năm trôi qua, nó trở thành sinh viên đại học, rồi trở thành doanh nhân. Một lần tình cờ xem một phóng sự về trường học trên vùng cao không có nhà vệ sinh, học sinh phải chui vào các ruộng hoa màu của dân để vệ sinh. Đôi khi họ bị xúc phạm nặng nề vì điều ấy. Và bộ giáo dục có quy định một số trường tiểu học phải có một lượng học sinh nhất định thì mới được xây dựng nhà vệ sinh.
                 Nó thấy đau lòng quá. Kỷ niệm xưa tràn về trong ký ức. Nó thấy thương các em học sinh nữ cấp hai ở miền núi và học sinh tiểu học vô cùng. Với một thiếu nữ mười hai, mười ba thì tâm hồn họ vẫn còn đang hết sức nhạy cảm và non nớt. Chỉ một cách cư xử thô bỉ hay những lời xúc phạm nặng vì việc họ làm không được đúng lắm sẽ là những vết thương lớn có khi đi hết cả cuộc đời các em.
                 Xét về mặt con người, nhu cầu ăn, uống và vệ sinh là một tất yếu. Trường học vốn là nơi truyền thụ những điều cơ bản về cuộc sống, tri thức vậy mà lại không quan tâm đúng mức đến nhu cầu hết sức thiết thực và bình thường của con người. Vùng núi, trường tiểu học không được trang bị nhà vệ sinh kiên cố hoành tráng vì chưa đủ lượng học sinh theo quy định của bộ giáo dục. Sao thầy và trò trường đó không biết tự quy hoạch một khu vệ sinh dù chỉ cần bằng tranh, tre, nứa lá hay vài tấm vải bạt che? Nếu vì thiếu lượng học sinh cần thiết để nhà nước đầu tư xây dựng nhà vệ sinh cho học sinh. Vậy những học sinh tuy là khá ít ỏi  đó sẽ đi vệ sinh ở đâu?
                 Mong rằng trên khắp đất nước này, nơi nào có trường học, nơi đó có nhà vệ sinh. Để những học sinh đến trường với niềm khát khao tri thức. Khát khao tiến bộ không phải cố kìm hãm một điều hết sức tự nhiên của cơ thể đến mức làm hại đến bản thân. Mong rằng không có em học sinh nào bị tổn thương vì một điều hết sức bình thường: đi vệ sinh!
                   Nó ký roẹt một tờ séc, sai kế toán ra ngân hàng chuyển khoản cho một công ty xây dựng. Nó muốn xây tặng một cái nhà vệ sinh cho  những trường học chưa có nhà  sinh ở tỉnh Hà Giang. Nó thấy mình rất thoải mái vì vừa làm được một việc rất có ý nghĩa với tâm hồn nó.


                                                      Tác giả: Phạm Thị Hợi

Xem thêm các bài viết



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét