Ước mơ của nó là trở thành nhà quản trị, quản lý hay lãnh đạo. Đó là ước mơ cháy bỏng từ khi còn thơ ấu của nó. Dù cuộc sống quanh nó luôn đầy dẫy bất công và đói khát. Dù gia cảnh nhà nó có rất nhiều éo le. Có lần nó mạnh dạn nói ra ước mơ của mình và nhận được cái cười vô cùng khả ố và lỗ mãng của một người bạn biết khá rõ về gia đình nó. Với anh ta, những người có xuất thân như ra đình nhà nó là hạng mạt hạng trong xã hội. Sao dám có ước mơ ngông cuồng làm quản lý hay lãnh đạo người khác? Nó buồn và cảm thấy bị tổn thương lắm. Nhưng kệ thôi, cuộc đời mà. Ta có thể đối tốt với mọi người nhưng không thể buộc được tất cả mọi người phải đối tốt với ta. Dù sao thì hai người cũng mới chính thức quen nhau khi cùng học đại học. Thời gian bên nhau còn dài, với sự chăm chỉ và cầu tiến của mình. Nó tin một ngày anh sẽ phải ngậm miệng khi nó thực hiện được ước mơ của mình.
Nó không trách anh, cái con người được sinh ra và lớn lên trong nhung lụa và sự tôn vinh của người khác. Làm sao anh hiểu được ý chí quật khởi vươn lên của những con người sống trong sự chà đạp, khinh bỉ và nghèo đói như nó. Giờ tuy hai người cùng học đại học. Anh thì từng học về công an, từng làm việc trong đội hình sự công an tỉnh Vĩnh Phúc, đang có một công việc rất tốt ở sân bay Nội Bài. Còn nó, nó chả có gì ngoài một mảnh bằng trung cấp của cái trường vốn được đánh giá là có chất lượng đầu ra không bằng trường phổ thông. Nó đang sống dựa vào sự chu cấp từ những đồng lương viên chức èo uột của mẹ. Dù vậy, nó cũng đang hạnh phúc vì đã thực hiện được ước mơ vào đại học của mình. Tuy là không đúng nghành nó mơ ước. Dù vậy cũng có khá nhiều điểm tương đồng trong chương trình đào tạo giữa kế toán và quản lý. Nó đã học tập vô cùng chăm chỉ và tin rằng mình đã đi đúng hướng.
Ngày ra trường nó vô cùng hoang mang. Vì sau năm năm học đại học, giờ nó chỉ có thể đi xin việc làm là kế toán. Cái nghành mà nó thật sự không muốn làm. Nó ước mơ sẽ tạo ra hàng nghìn công ăn việc làm cho người khác. Thế mà nó lại đang rất cố gắng để xin được một công việc của người khác! Nó cảm thấy bị tổn thương sâu sắc khi viết một bộ hồ sơ xin việc làm. Tiền thì không có một xu trong túi. Tuổi thì lại đã cao. Cuộc sống và nếp sinh hoạt của nó trở lên vô cùng rối loạn. Nó muốn thực hiện những ý tưởng kinh doanh của mình nhưng không có vốn, và cũng không biết bắt đầu từ đâu. Vì nó không được đào tạo nghành " quản trị kinh doanh". Khả năng tự chủ của nó rất kém. Có vẻ như nó đã được đào tạo để làm " quân hầu" cho người khác. Nó có thể nói, có thể biết khá nhiều về kinh doanh, nhưng không thể tự làm. Mớ kiến thức về kinh doanh nó có giống như cái vỏ ốc đè nặng lên vai nó.
Lúc này nó mới nhận ra nó đã đi sai đường. Việc ấy giống như người ta đi nhầm giày vậy. Chiếc giày có vẻ quá chật hay quá hẹp so với chân của người đi. Người đi vì thấy đôi giày đẹp hay vì chúng thuộc quyền sở hữu của mình lên đã vẫn cố sử dụng. Nếu đôi giày rộng chúng hay làm tuột chân, hoặc người ta phải kê đệm đủ thứ lỉnh kỉnh vào đó để khắc phục sự cố. Rốt cuộc thì làm người đi bị khó chịu, đi chậm hơn và dáng đi trở lên xấu xí. Đôi giày quá hẹp sẽ cản trở sự phát triển bình thường của đôi chân, gây tổn thương cho cơ ở phần chân. Rốt cuộc thì cũng làm người đó khó chịu, và có hại cho bản thân.
Giá mà ngày đó nó kiên quyết làm theo những gì mình thật sự muốn. Thì nó đã không lãng phí những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời để cố học một thứ mà nó không hề thích và sẽ chẳng bao giờ sử dụng được lâu. Hạnh phúc của nó cũng vỡ òa vì những người bạn học chung mà lẽ ra nó sẽ không bao giờ làm bạn với những người như thế. Cái nhìn trong xã hội với nó cũng khác so với những gì nó mong muốn. Cả thế giới quan của nó cũng là những thứ làm suy kiệt chính nó. Nó trở thành một mới hỗn độn, bất lực và vô tích sự dù có vẻ nó đang rất thành công với những gì nó đã được học.
Đã sai đường thì phải làm lại. Nó lại tự lẫm trẫm, dò dẫm bước đi trên con đường mà lẽ ra nó phải đi từ khi còn rất nhỏ. Nó phải bỏ đi rất nhiều thứ lẽ ra không nên thuộc về mình. Nó đang mở cho mình một con đường mới. Một con đường nó cảm thấy hạnh phúc và thành công. Khi nghĩ về quá khứ, điều nó hối tiếc nhất là nó đã có một quá trình học tập sai lầm. Nó đã học thật nhiều những thứ nó không thích và sẽ không bao giờ sử dụng chúng. Nó thấy sự sai lầm lớn nhất ở đời là không cố gắng mọi cách để làm theo ý mình. Sự nuối tiếc nhất ở đời là đã không làm được những gì mình thật sự mong muốn. Nếu ta cứ mặc nhiên chấp nhận một thứ không thật sự mong muốn, thì cũng giống như ta đi nhầm giày thôi.
Tác giả: Phạm Thị Hợi
Xem thêm các bài viết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét